Ngày nay cho trẻ học đàn piano đã trở thành một nhu cầu cần thiết không chỉ ở các nước phát triển mà nó còn trở thành một môn học đang ngày càng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Piano có sức ảnh hưởng tích cực trong đời sống xã hội nó có ảnh hưởng về mặt cảm xúc, tâm hồn cùng nhiều lợi ích khác bắt nguồn từ việc học đàn Piano.
Trước khi bắt đầu nhập môn Piano, quý phụ huynh và các bạn học viên cần trang bị một số kiến thức cơ bản để có thể tự đánh giá một cách đúng đắn quá trình học tập piano của con em và bản thân.
Trường Âm nhạc Ánh Dương có một gợi mở để quý phụ huynh hiểu được việt học Piano như thế nào là tốt cho con em và bản thân các bạn học viên...đó là “CHẬM MÀ CHẮC”!
Đừng vội đòi hỏi giáo viên của bạn cho bé đàn các tác phẩm quá sức so với trình độ của bé. Tôi biết rất nhiều phụ huynh mong mỏi con đàn được các tác phẩm nổi tiếng như Fur Elise (L.V.Beethoven), Turkish March (W.A.Mozart),… Đó có lẽ là những bản nhạc thịnh hành mà ai cũng sẽ biết nên phụ huynh thường thích con học để biểu diễn... Thế nhưng, một thực tế mà bất kỳ một giáo viên Piano nào cũng phải biết và giúp phụ huynh hiểu là tác phẩm không được quá sức so với trình độ âm nhạc (ngón đàn, kiến thức, cảm nhận,…và điều kiện thể chất của học viên).
Một tác phẩm không phù hợp sẽ gây mất thời gian rất nhiều, đôi khi làm bé hư kỹ thuật cơ bản do giãn những quãng rộng khi bàn tay còn quá bé và ngón còn quá yếu, hoặc bé chỉ đàn như một con vẹt chứ không có chút cảm xúc hay mối liên kết với bài. Điều đó thậm chí còn gây những hệ quả lâu dài và nghiêm trọng như bé bị mất niềm hứng khởi với âm nhạc và làm giới hạn khả năng âm nhạc của bé.
Các bậc cha mẹ cần kiên nhẫn và định hướng cho con tiếp cận âm nhạc đúng cách để trẻ có được nền tảng vững chắc và tự mình khám phá thế giới âm nhạc trong tương lai.
Cánh tay thả lỏng và tạo thành một đường thẳng với cổ tay. Cổ tay ở những cấp độ cơ bản thường được yêu cầu để thẳng cánh tay (song song với bàn phím, không nhấc cao hay xệ thấp hơn mặt đàn). Bên cạnh đó, học viên sẽ được yêu cầu giữ yên để luyện tập phần ngón. Ở trình độ nâng cao hơn, Giáo viên sẽ hướng dẫn học viên rõ hơn về cách dùng lực nâng cao và điều khiển cổ tay cánh tay theo đúng cách. Việc học đàn Piano cho trẻ cần quá trình rèn luyện đúng đắn và kiên trì dưới sự hướng dẫn, động viên của thầy cô, cha mẹ để có thể tạo ra hiệu quả tốt nhất.
Các khớp ngón cong tròn nhưng không được gồng cứng tạo điều kiện di chuyển linh hoạt và không gây cản lực. Có nhiều người chơi đàn hiểu lầm việc cong tròn ngón tay là phải co quắp vào trong, điều này không đúng.
Độ cong của ngón phải được người chơi điều khiển thích hợp với từng loại bàn tay và đoạn kỹ thuật yêu cầu (ngón dài hay ngón ngắn và cấu tạo đặc biệt của tay). Giáo viên sẽ là người nhận biết loại tay và có phương pháp điều chỉnh thích hợp cho từng loại tay, chứ không rập khuôn. Thông thường, ở trình độ căn bản, học viên sẽ được yêu cầu rèn luyện hoàn toàn phần ngón rất nhiều để đạt được sự nhuần nhuyễn trong chuyển động và sức dẻo dai của cơ ngón. Các bài luyện ngón luôn góp một phần rất quan trọng để học viên có đủ kỹ thuật trình tấu các tác phẩm. Những bài tập ngón Piano căn bản cho trẻ là điều bắt buộc và hết sức quan trọng đến sự phát triển kỹ thuật cũng như tiềm năng của trẻ.
Quá trình đọc nốt thường không gây nhiều khó khăn cho các bé từ khoảng 6 tuổi trở lên và thường là hoạt động thư giãn chen giữa những giờ tập ngón Piano của các bé để bé được thay đổi hoạt động. Giáo viên sẽ yêu cầu các bé đọc và hát to nốt nhạc khi đàn, điều này rất tốt vì bổ trợ cho hoạt động xướng âm, thẩm âm, tiết tấu của bé. Ngoài ra, khi bé vừa hát vừa đàn sẽ tập luyện cho việc phối hợp nhiều chức năng hơn cũng như khiến bé tập trung cao độ hơn vào bài nhạc. Bên cạnh việc đọc nhạc, học viên sẽ được giới thiệu những thuật ngữ và ký hiệu âm nhạc để có thể hoàn thiện khả năng Thị tấu của mình (Sight Reading và Sight Playing).
Việc học đàn piano của trẻ, đặc biệt các bé còn ít tuổi cần sự theo dõi và hỗ trợ rất tích cực từ phía các bậc cha mẹ. Ngoài giờ học tại trường nhạc cùng giáo viên, sự rèn luyện piano đều đặn hàng ngày của trẻ đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Xin đừng gửi gắm 100% vào giáo viên khi trẻ chỉ học 2-3 giờ/tuần, công tác lên lịch tập luyện hàng ngày là rất cần thiết để đạt được hiệu quả học tập cao và nhanh chóng.
Ba mẹ hãy giúp bé lên khung giờ tập cụ thể để tạo thành thói quen cho trẻ. Đối với trẻ mới bắt đầu, việc học piao đòi hỏi sự rèn luyện tính tập trung từ từ. Một điểm đáng lưu ý, chế độ tập đều đặn luôn có hiệu quả cao hơn rất nhiều so với một chế độ tập dồn ép, đặc biệt đối với trẻ mới học piano (Các buổi tập nên bắt đầu khoảng 15 phút – 20 phút và tăng dần từng chút theo cấp độ của bé).
Song song đó, ba mẹ cũng nên liên tục khuyến khích trẻ tập luyện cũng như tạo ra sân chơi âm nhạc ngay tại nhà cho bé. Một số hoạt động bổ ích chọ việc học piano của trẻ như sân khấu biểu diễn định kỳ, nhờ trẻ tập và đàn bản nhạc yêu thích của ba mẹ, nhờ trẻ làm giáo viên dạy nhạc cho ba mẹ,… Tất cả những hoạt động trên sẽ giúp trẻ ôn luyện những kiến thức và bài nhạc một cách tự nhiên và giúp ba mẹ nắm được sự tiến triển của con. Hơn thế nữa, những hoạt động này sẽ giúp bé tự tin hơn để tham gia vào những sân chơi biểu diễn lớn hơn cùng các bạn và việc học piano của trẻ đạt hiệu quả cao (Xin đừng đổ lỗi cho trẻ lười biếng khi ba mẹ chính nhân tố quyết định việc tập luyện của con ba mẹ nhé)!
Vì tầm quan trọng của việc tập luyện piano cũng như các hoạt động âm nhạc tại nhà của trẻ nên ba mẹ cần cung cấp cho trẻ những phương tiện học tập tốt nhất và sớm nhất có thể như: nhạc cụ (đàn piano), sách vở, tài liệu,… Thật rất nghịch lý khi có rất nhiều phụ huynh thắc mắc vì sao bé học chậm quá trong khi ở nhà bé hoàn toàn không có đàn hoặc một thời gian biểu cho việc tập luyện?! (Hãy cung cấp cho bé những điều kiện tốt nhất để bé có thể phát triển được hết tiềm năng của bản thân).
Quá trình nghe nhạc là một trong những hoạt động rất quan trọng đối với trẻ. Hiện nay tại các thành phố lớn tại Việt Nam ba mẹ đã bắt đầu quan tâm đến việc cho thai nhi thưởng thức âm nhạc, nhưng lại quên mất rằng đây là một quá trình liên tục và đóng vai trò hết sức quan trọng với khả năng cảm thụ âm nhạc nói riêng và sự phát triển toàn diện của trẻ nói chung.
Nghe nhạc thích hợp giúp trẻ xây dựng những cảm xúc cũng như cảm nhận đúng một cách tự nhiên nhất ở trẻ. Vì vậy, ngoài những giờ nhạc trên trường, ba mẹ có thể tìm những dĩa nhạc phù hợp hoặc search trên Youtube để trẻ bổ sung thêm vốn âm nhạc của mình. Hoạt động này đóng vai trò quan trọng không khác gì tập cho trẻ đọc những quyển sách hay.
Học piano của trẻ đòi hỏi một quá trình lâu dài và cần có sự cộng hưởng của nhiều yếu tố khác nhau. Khi ba mẹ tạo dựng được cho trẻ những thói quen đúng đắn và thường xuyên, trẻ sẽ hội đủ những điều kiện tốt nhất để có thể phát triển hết tiềm năng, bộc lộ tố chất cũng như thăng hoa cùng âm nhạc. Đó là một con đường tuy gập ghềnh, khó khăn nhưng trải đầy những hứng khởi và hoa thơm khi có ba mẹ cùng thầy cô đồng hành!
Một lời hứa hẹn chắc chắn là không có đứa trẻ không yêu âm nhạc, chỉ là ba mẹ và thầy cô có đủ kiên nhẫn để đồng hành cùng trẻ đến lúc trẻ tìm thấy được tình yêu lâu dài dành cho âm nhạc. Việc học đàn piano cho trẻ không thể tính bằng ngày tháng mà phải tính bằng năm và sự nỗ lực của bé, gia đình, giáo viên và nhà trường.