Nhắc đến bộ môn nghệ thuật Ca Trù và những người yêu thích "Ca Trù" không ai là không biết Nghệ sĩ ưu tú Lê Thị Bạch Vân. NSƯT Lê Thị Bạch Vân người cả đời tôi nợ “hồng hồng, tuyết tuyết”.
Đến với ca trù băng chữ “duyên”
Sinh năm 1957 tại mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, Bạch Vân được nuôi dưỡng trong một gia đình mang đậm tinh thần Nho giáo. Ngay từ bé NSƯT Lê Thị Bích Vân đã được làm quen với thơ phú (Bạch Vân được người cha truyền dạy ngâm thơ Đường, mẹ lại dạy cho Bạch Vân hát dân ca… Bạch Vân đã nhận được rất nhiều kỳ vọng của thầy cô và gia đình về một tương lai tươi sang. Năm 05 tuổi Bạch Vân đã biết chữ, biết đọc, biết viết ở thời kỳ này đây là điều hết sức đáng quý. Bạch Vân học văn rất giỏi và đặc biệt yêu thích âm nhạc. Ước mơ của Bạch Vân được bước chân vào cổng Trường đại học Tổng hợp là được trở thành một nhà văn và đây cũng là cái vốn để sau này NSƯT Bạch Vân theo con đường nghệ thuật Ca Trù.
(Nghệ sĩ ưu tú Lê Thị Bạch Vân trong một buổi biểu diễn ca Ca Trù)
Trong một lần “chót dại” khi nghe Nghệ sĩ nhân dân Quách Thị Hồ hát, Bạch Vân như lên cơn “say” và cơn “say” đã kéo dài được hơn 30 năm chưa tỉnh. Qua tiếng hát của NSND Quách Thị Hồ, những ca từ đó đối với Bạch Vân như quen lắm, thân thuộc lắm và cái duyên của bộ môn ca trù đến với Bạch Vân bắt đầu từ buổi ấy.
(Nghệ sĩ nhân dân Quách Thị Hồ)
Con đường đưa ca trù trở lại
Mười năm vất vả đi tìm tư liệu, ngược xuôi hết Hà Nội, Nam Định và Thanh Hóa để đi tìm các nghệ nhân hát ca trù. Kiếm được nghệ nhân đã khó, nhưng việc thuyết phục các nghệ nhân truyền lại những bài hát, những bản Ca trù cổ còn khó hơn rất nhiều, thuyết phục làm sao để các nghệ nhân và gia đình rũ bỏ định kiến và mặc cảm của kiếp “cô đầu” còn gian nan vất vả hơn.
Không ít lần tưởng như NSƯT Bạch Vân đã phải rời bỏ Ca trù vì mệt mỏi, kiệt sức và tủi thân, những trăn trở về việc khôi phục bộ môn ca trù đã khiến Bạch Vân nhiều đêm mất ngủ. Thế nhưng mọi chuyện lại trở lên yên ổn, niềm say mê Ca trù lại trở lại với Bạch Vân mỗi khi trời sáng.
Có một nền tảng văn học và khả năng thiên phú như thế nhưng Bạch Vân lại bỏ đường lớn, rẽ sang con đường gập ghềnh hơn ba mươi năm trời, đeo bám lấy hai chữ ca trù. Tâm sự về bước ngoặt này, người phụ nữ này chia sẻ: "Nó là cái nghiệp từ kiếp trước mà tôi phải trả trong kiếp này". Thậm chí Bạch Vân đã bỏ cả gia đình cũng vì cái duyên nghiệp trời trao ấy. Chồng Bạch Vân là người tốt, kém vợ những 13 tuổi, yêu vợ, yêu chiếu hát của hai người. Hễ về nhà là xăm xắn dọn dẹp, nấu cơm, giặt giũ, để vợ chuyên tâm vào hát và viết. Nhưng tình yêu ấy chưa đủ để thắng được sức quyến rũ của ca trù. Bạch Vân cứ lao vào nó như thiêu thân lao vào nơi có ánh sáng, quên mất bên mình còn có một người đàn ông cần người một vợ và những đứa con thơ, quên mất những bộn bề quay quắt của cuộc sống mưu sinh.
NSUT Bạch Vân đã được Ban Quản Lý phố cổ Hà Nội (BQL) mời về diễn tại đình Kim Ngân vào các tối thứ Tư, Sáu và Chủ Nhật, cứ tưởng đây là cơ hội tốt để đưa ca trù trở lại với đời sống xã hội. Mừng rỡ vì có cơ hội hội cho ca trù nhưng sự mừng vui đó chưa đến đâu thì nỗi lo cơm áo gạo tiền đã ập tới. Để tổ chức được một đêm hát ca trù như vậy kinh phí phải tốn đến 6 triệu, từ tiền thuê nhạc công, thuê diễn viên diễn phụ, tiền thuê địa điểm, tiền điện, tiền nước…Đến chiếc xe máy vật dụng hàng ngày Bạch Vân cũng phải bán đi để chăm lo cho việc phục hưng ca trù, đi vay tiền để phục hưng ca trù, vay chỗ này đập chỗ kia con số nợ có lúc lên tới vài trăm triệu, Bạch Vân tự bỏ tiền của mình ra để khôi phục ca trù, nhiều lúc bĩ cực tiền bạc khiến cho Bạch Vân tủi phận có lúc còn nghĩ tới kết cục bi thương.
(Một buổi diễn ở đình Kim Ngân của Bạch Vân chỉ có vài khách và hầu hết là người nước ngoài)
Những ngày đầu tiên đi tìm cách "phục hưng" ca trù được coi là "thời kì khốn nạn" của Bạch Vân. Đến xin học, các cụ nghệ nhân chối đây đẩy, rồi chửi đuổi đi. Định kiến xã hội vẫn còn nặng nề nên các cụ mặc cảm, không muốn nhận mình từng gắn bó với ca trù. Bạch Vân nhiều lần lặn lội đường xa tới, năn nỉ, ngọt nhạt, thậm chí khóc lóc để xin các cụ cho học. Mãi rồi cũng được nhận làm học trò, được truyền dạy những kĩ nghệ cơ bản của ca trù.
Chuyện "di sản"…
Năm 2009, ca trù chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Lúc này người ta đổ xô vào ca trù, ở đâu cũng thấy ca trù, câu lạc bộ ca trù mọc lên như nấm sau mưa, xuất hiện thêm nhiều đào nương, kép đàn…Rất nhiều trong số đó có tuổi nghề chỉ một tuần, một tháng hoặc chỉ vài tháng. Tỉnh nào cũng có CLB Ca trù, ca trù trở lại quá nhanh lên khó mà phân biệt được đâu là “hàng xịn” có mấy ai biết nghề để mà hiểu được thế nào là đúng, thế nào là sai. Nhiều nhạc sĩ cũng ăn theo, cũng sáng tác, cũng viết bài nhưn có mấy ai biết là đúng là chuẩn đâu.
Không được lợi gì từ chuyện này, thậm chí còn thêm nhiều bệnh tật trong người, ăn uống, ngủ nghỉ đều thất thường, nhưng Bạch Vân vẫn sống chết với nghề. CLB ca trù Hà Nội do Bạch Vân thành lập là CLB đầu tiên của cả nước, giới thiệu và bảo tồn môn nghệ thuật này. Nhưng từ đó cho tới nay, sự quan tâm, đầu tư của các cơ quan ban ngành với ca trù giống như muối bỏ biển. Muốn chấn hưng và tiếp tục tồn tại, các CLB đều phải chật vật đi tìm nguồn tài trợ.
Nhận lời mời của BQL phố cổ về diễn ở đình, nhưng Bạch Vân vẫn phải trả tiền cho những chi phí như thuê địa điểm, điện, nước... mỗi tháng khoảng 2 triệu - một khoản mà đáng ra phải được hỗ trợ thì lại là một trong những chi phí khiến Bạch Vân đau đầu. Giá vé 200 ngàn/người/vé cũng là một hạn chế khiến khách quay lưng với ca trù. Hỏi: Sao không hạ vé xuống 50 ngàn? Bạch Vân bức xúc: "Chả nhẽ bọn tôi rẻ rúng thế à? Ngọc đem rao bán ngoài đường thế à?". Hiện tại, CLB của Bạch Vân vẫn chưa có một hướng đi toàn diện, dung hòa được nghệ thuật và thương mại.
(Năm 2009 ca trù được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn)
Lối đi nào cho ca trù tới bây giờ vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ chưa lời giải đáp. Không chỉ riêng Bạch Vân, mà những người cùng đàn, cùng hát ca trù đích thực cũng luôn đau đáu tìm một lối đi cho nghệ thuật dân tộc- thứ di sản đang trong tình trạng "cha chung không ai khóc"!!!
Là thạc sĩ về ca trù và chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội. Ngày 27/5/2012, ca nương này đã được trao tặng bằng chứng nhận danh hiệu NSƯT. Trong năm tới, Bạch Vân sẽ bảo vệ luận án tiến sĩ cũng về ca trù. Bạch Vân là một trong những người tham gia hoàn thành hồ sơ trình UNESCO công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể năm 2009.